Bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Sáng 25/10, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức khai mạc đợt 1 khoá bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới cho 1.870 giáo viên cốt cán của 10 tỉnh thành phía Bắc. Đây là một trong nhiều lớp đã được 8 trường đại học sư phạm trọng điểm triển khai trên cả nước, với mục tiêu tập huấn cho 28.000 giáo viên cốt cán các trường phổ thông.
Phát biểu khai mạc, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, năm 2019 nhà trường được giao trọng trách bồi dưỡng cho hơn 5.000 giáo viên phổ thông cốt cán của 10 tỉnh thành phía Bắc về chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đợt tập huấn đầu tiên này, có 1.870 giáo viên sẽ tham gia bồi dưỡng tại 2 cơ sở của trường ở thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Các học viên tham gia tập huấn giáo viên cốt cán
Nội dung của khoá bồi dưỡng, ngoài giới thiệu chương trình tổng thể, chương trình các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên cốt cán sẽ được tập trung tìm hiểu, hướng dẫn những phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Tham dự khoá bồi dưỡng này, các giáo viên cốt cán ngoài tích luỹ các bài học và kinh nghiệm cho bản thân còn có nhiệm vụ trở về địa phương để hướng dẫn giáo viên đại trà cùng triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trao đổi với 1.024 giáo viên phổ thông cốt cán tham gia lớp bồi dưỡng tại cơ sở chính của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ này trong thành bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.
“Giáo viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục nên nếu tinh thần đổi mới chỉ đi từ Bộ GD&ĐT đến các Sở/Phòng GD&ĐT, các Hiệu trưởng trường phổ thông mà không tới được các giáo viên thì sự đổi mới sẽ không thể thành công. Ai đó đã có câu: Ý tưởng là nụ, giải pháp là hoa, chỉ có hành động mới cho ra quả ngọt. Nếu người giáo viên không triển khai đổi mới thì tất cả ý tưởng và giải pháp mà Bộ, Sở/Phòng đề ra cho một nền giáo dục mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học sẽ không có ngày thu được về trái ngọt” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với các giáo viên cốt cán
Cho rằng, công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nếu lớp bồi dưỡng này thành công các lớp bồi dưỡng sau dành cho giáo viên đại trà ở các cơ sở giáo dục mới có cơ hội thành công, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các giáo viên cốt cán tập trung cao độ tinh thần, trí tuệ và trách nhiệm để lĩnh hội đầy đủ, sâu sắc các kiến thức được cung cấp trong khóa tập huấn này. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và các trường Sư phạm trọng điểm được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán cho chương trình giáo dục phổ thông mới cần bố trí giảng viên có chất lượng tốt để “đứng lớp” các khoá bồi dưỡng này.
Công tác bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới được tổ chức theo hướng chuyển từ bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng. Theo đó, giáo viên có 5 ngày tìm hiểu trước tài liệu học tập qua mạng, sau đó bồi dưỡng tập trung 3 ngày với hình thức chủ yếu là thảo luận nhóm. Kết thúc khoá bồi dưỡng tập trung, giáo viên có 7 ngày để tự tìm hiểu sâu các nội dung, phương pháp giáo dục mới và làm bài tập để đánh giá kết quả khoá tập huấn. Chỉ những người vượt qua bài tập này và được đánh giá tích cực trong quá trình bồi dưỡng mới được trường Sư phạm cấp chứng nhận hoàn thành khoá học.
Khoá bồi dưỡng tập trung giáo viên phổ thông cốt cán về chương trình giáo dục phổ thông mới của trường Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra trong 3 ngày, từ 25/10 đến hết 27/20/2019. Trước đó, nhiều trường đại học sư phạm như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Vinh… đã tiến hành các đợt tập huấn cho giáo viên cốt cán các tỉnh thành.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục