Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để triển khai Chính phủ điện tử
Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để triển khai Chính phủ điện tử là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) trong thời gian tới. Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT, chiều 20/7.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến về Giáo dục để triển khai Chính phủ điện tử.
hủ trì phiên họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu lãnh đạo các Vụ Cục trên cơ sở Kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ giai đoạn 2016-2020 và nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị mình, rà soát, đề xuất, đặt bài cho đơn vị triển khai để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành quản lý giáo dục.
Đây là phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo sau quyết định thành lập ngày 18/5/2018. Cùng dự họp có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ, lãnh đạo các tập đoàn Viettel, FPT, Misa, và các thành viên trong Ban chỉ đạo.
Trao đổi, thảo luận lại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí cho rằng việc ứng dụng CNTT đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành GD-ĐT và đề xuất những giải pháp giúp triển khai ứng dụng CNTT có hiệu quả.
Kết luận phiên làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh 3 nhóm công việc mà Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, đó là:
Rà soát, cập nhật, xây dựng kiến trúc khung về mô hình Chính phủ điện tử của Bộ, trong đó đề xuất nền tảng ứng dụng CNTT của Bộ, của Ngành và yêu cầu tin học hóa các nghiệp vụ (nhiệm vụ) của các Vụ Cục, qua đó xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng tập trung, cơ sở dữ liệu dùng chung kết nối tới các địa phương để trao đổi dữ liệu và phục vụ quản lý điều hành; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học và kiểm tra đánh giá trong toàn ngành, đặc biệt là số hóa các bài giảng, số hóa sách giáo khoa và đẩy mạnh giáo dục trực tuyến; Triển khai mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến ở cơ quan Bộ và toàn ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tham gia các dịch vụ công của ngành GD-ĐT.
Bộ trưởng cũng đề nghị tập đoàn FPT hỗ trợ, phối hợp với Cục CNTT của Bộ xây dựng, thiết kế khung kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ, xác định rõ mô hình kiến trúc, nội dung, giải pháp, thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ cần triển khai, đảm bảo sự đồng bộ hiệu quả; đề nghị các Tập đoàn Vietel hỗ trợ xây dựng các giải pháp ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học và kiểm tra đánh giá giúp học sinh toàn ngành dễ dàng tiếp cận những nội dung học tập có chất lượng trực tuyến; đề nghị Công ty cổ phần MISA hợp tác, hỗ trợ Bộ GD&ĐT triển khai các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số về GD-ĐT.
Bộ trưởng cũng đặc biệt quan tâm đến công nghệ Big Data và áp dụng các giải pháp phân tích dữ liệu hiện đại cung cấp thông tin hỗ trợ ra chính sách. Bộ trưởng chỉ đạo: “Cục CNTT khẩn trường hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT, từ đó có thể phân tích, trích xuất một phần phục vụ cho công tác quản lí nhà nước, một phần có thể dùng cho các dịch vụ thông tin. Xã hội cũng sẽ được tiếp cận, khai thác một phần nguồn dữ liệu này với mục đích cuối cùng là có lợi chung cho đất nước, giúp ích cho ngành giáo dục”.
“Những đơn vị trên sẽ là đầu mối để thực hiện những chiến lược về CNTT của Bộ. Giao Cục CNTT là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và tập đoàn triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nêu rõ.
Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT sẽ họp 3 tháng 1 lần để thảo luận, tham mưu kịp thời cho Bộ trưởng những giải pháp ứng dụng CNTT trong ngành GD-ĐT hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ của Ngành có hiệu quả.