Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4
Tháng 01 : 841
Năm 2025 : 841
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông

Đây là mục tiêu của dự thảo Nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập giai đoạn 2020-2025 đang được Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng để trình Chính phủ ban hành.

Chủ trì cuộc họp thảo luận về dự thảo Nghị quyết sáng 18/10 với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và đại diện một số trường mầm non, phổ thông công lập đang thực hiện tự chủ đạt hiệu quả, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong khi chưa thực hiện đại trà trong cả nước, cần thí điểm phân cấp, phân quyền đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có điều kiện. Đây không phải vì mục tiêu giảm áp lực ngân sách hay giảm biên chế giáo viên mà để khơi dậy được năng lực của các nhà trường, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp

Trao đổi về thực tiễn triển khai chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, đại diện các cơ sở giáo dục đều khẳng định, việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền đã mang lại thay đổi có tính chất bước ngoặt cho các nhà trường. Khi mục tiêu cao nhất của nhà trường là thu hút được người học thì theo đó, cơ sở vật chất được đầu tư, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng cao, chất lượng giáo dục được đẩy mạnh, phụ huynh học sinh tin tưởng lựa chọn cho con em theo học.

Cũng từ thực tiễn thực hiện tăng cường phân cấp, phân quyền, các cơ sở giáo dục cho rằng, việc có một văn bản tầm Chính phủ với những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế là cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay mà mỗi nhà trường khi mạnh dạn tự chủ đang gặp phải như liên kết, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, cơ chế tài chính, cơ chế tuyển dụng, sử dụng đội ngũ… Tuy nhiên, theo đại diện một số cơ sở giáo dục, chủ trương này khi ban hành cần phải tính toán đến lộ trình, thời gian và số lượng cơ sở giáo dục thực hiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả khi triển khai trong thực tế.

Triển khai Luật Giáo dục 2019, các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng Nghị quyết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập giai đoạn 2020-2025.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết này. Dự thảo Nghị quyết sẽ được xây dựng dựa trên những luận cứ khoa học, kết quả đánh giá thực tiễn, có sự tham gia góp ý của các cơ sở giáo dục công lập đã thành công với mô hình tự chủ và xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng xác định “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng”.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng xác định “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.”, “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

 

Trung tâm Truyền thông Giáo dục


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip
Văn bản mới