Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Tháng 01 : 840
Năm 2025 : 840
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Lớn lên cùng âm nhạc" với sự phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh

Bằng các hoạt động học tập đa dạng để khám phá, trải nghiệm quá trình "lớn lên cùng âm nhạc", môn Âm nhạc trong nhà trường giúp học sinh gìn giữ và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống, hình thành năng lực thẩm mỹ nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của mỗi cá nhân.

Với nhận thức sâu sắc về vị trí và tầm quan trọng của việc giáo dục âm nhạc và để đáp ứng nhu cầu của học sinh có thiên hướng phát triển về âm nhạc, thiết thực góp phần vào việc đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học và thực hành hoạt động giáo dục âm nhạc trong thời gian tới, tổ chức UNICEF (Quĩ Nhi đồng của Liên hiệp quốc) – với cam kết của Công ty Giải trí SM của Hàn Quốc thông qua Ủy ban Quốc gia UNICEF Hàn Quốc - đã phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo thực hiện dự án “Học tập cho trẻ em” - trong đó có nội dung “Lớn lên cùng âm nhạc” hướng tới các mục tiêu:hỗ trợ các trường, các địa phương thực hiện hiệu quả hơn chương trình dạy học âm nhạc chính khóa, từng bước tiếp cận với chương trình môn học Âm nhạc trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới; hỗ trợ một số trường tăng cường trang, thiết bị dạy học âm nhạc; bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nâng cao nhận thức về vai trò và tác dụng giáo dục âm nhạc; hướng dẫn, hỗ trợ các trường cách thức tổ chức các hoạt động ngoại khóa về giáo dục âm nhạc;thông qua hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục âm nhạc để bồi dưỡng nhận thức và phát triển các kĩ năng xã hội, phát triển năng khiếu và tài năng của trẻ em.


Các nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân dự một giờ học hát của học sinh Trường THCS Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Thu Hà-UNICEF)

Để thực hiện các mục tiêu trên, các chuyên gia về giáo dục âm nhạc có thâm niên và giàu kinh nghiệm, gắn bó và tâm huyết với công việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học âm nhạc từ nhiều năm qua như các nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), Bùi Anh Tú (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bùi Anh Tôn (Trường CĐSP Trung ương TP. Hồ Chí Minh), Trần Văn Minh (Trường CĐSP Trung ương Hà Nội), Lương Minh Tân (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương)... đã biên soạn những tài liệu thiết yếu và tiến hành bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lí, hỗ trợ cha mẹ học sinh trong công việc tổ chức dạy học và thực hành hoạt động giáo dục âm nhạc, bao gồm 5 tài liệu: “Đổi mới dạy học âm nhạc tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới” (những vấn đề quan trọng như vai trò, tác dụng của việc giáo dục âm nhạc; thông tin về giáo dục âm nhạc trên thế giới, trong nước và đặc biệt là giới thiệu những vấn đề cốt lõi của chương trình âm nhạc mới trong chương trình giáo dục phổ thông; việc tổ chức các hoạt động giáo dục âm nhạc; cung cấp một số hoạt động cụ thể cho việc dạy học âm nhạc, các bài hát có thể sử dụng cho hoạt động dạy học và thực hành giáo dục âm nhạc); “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá và âm nhạc truyền thống Việt Nam” (giới thiệu khái niệm, đặc điểm của văn hoá Việt Nam; di sản văn hoá, ý nghĩa của di sản văn hoá trong dạy học và những yêu cầu, phương pháp tổ chức dạy học góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Việt Nam chuẩn bị tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới; Âm nhạc truyền thống Việt Nam); “Hướng dẫn sử dụng các phần mềm và phương pháp chế bản các bản nhạc” (giới thiệu các phần mềm chuyên dụng bao gồm: Final 2005, Encore 4.5, Sibelius7, Cubase, Itervideo WinDVD, Total Video Converter, Jetaudio với những hướng dẫn thao tác cơ bản để thiết kế bài giảng điện tử, chép một bản nhạc, cắt nối một đoạn video, lấy file nhạc từ file video, trích xuất file nhạc từ video vào máy tính… qua đó giúp giáo viên có những kiến thức cần thiết để phục vụ trong quá trình soạn các bài giảng cũng như tổ chức các hoạt động âm nhạc một cách hiệu quả nhất); “Hướng dẫn biên tập âm thanh và video phục vụ trong giảng dạy âm nhạc” (giới thiệu những vấn đề cơ bản về các phần mềm chỉnh sửa âm thanh và video cơ bản, cần thiết nhất từ cách cài đặt phần mềm, hướng dẫn sử dụng phần mềm, giúp giáo viên có những kiến thức để phục vụ trong quá trình soạn các bài giảng cũng như tổ chức các hoạt động âm nhạc hiệu quả); “Truyền thông về Dự án Học tập cho trẻ em và nội dung phát triển kĩ năng và tài năng âm nhạc” (giới thiệu các chủ đề tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc trong nhà trường; hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động giáo dục âm nhạc, cung cấp một số hoạt động cụ thể cho việc dạy học âm nhạc, các bài hát có thể sử dụng cho hoạt động dạy học và thực hành giáo dục âm nhạc).

Với qui mô thí điểm bước đầu trong thời gian năm học 2018-2019, hoạt động thí điểm "Lớn lên cùng âm nhạc" đã được thực hiện tại Kon Tum và Đà Nẵng. Theo đó, các cán bộ quản lí giáo dục thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và giáo viên phụ trách môn Âm nhạc thuộc các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn các quận, huyện đã được các chuyên gia tập huấn về kiến thức và kĩ năng mở rộng, nâng cao về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Đồng thời, đối với những học sinh có sở thích, năng khiếu hoặc định hướng nghề nghiệp liên quan còn được chọn thêm các chuyên đề học tập phù hợp với sở trường, định hướng riêng. Do đó, việc tập huấn, trao đổi trực tiếp của các chuyên gia đã giúp giáo viên, học sinh bước đầu nâng cao khả năng phát triển các kĩ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hoá, lịch sử và xã hội của địa phương, có khả năng ứng dụng kiến thức vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với các công việc liên quan đến âm nhạc trong tương lai; làm tiền đề định hướng cho sự phát triển sở thích cá nhân để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mình để chuẩn bị nền tảng cho việc tiếp tục học tập môn Âm nhạc ở cấp Trung học phổ thông.Khi triển khai vào thực tiễn, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy – Trường THCS Lê Lợi, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cho biết: “các chuyên đề do các chuyên gia tập huấn rất bổ ích, đã thực sự bổ sung các kiến thức mới và vì thế đã tạo được nhiều hứng thú cho học sinh, giúp học sinh yêu môn Âm nhạc hơn”. Còn thầy Dương Văn Vấn – Trường THCS Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, Kon Tum chia sẻ: “học sinh miền núi thường e dè, nhưng với cách tổ chức dạy học mới vừa được tập huấn, giáo viên được trang bị thêm khả năng chuyên môn nên đã giúp học sinh mạnh dạn và hào hứng hơn, vui hơn khi tham gia hoạt động giáo dục âm nhạc. Hơn nữa, các chuyên gia tập huấn cũng giới thiệu thêm nhiều tác phẩm mới và hình thức tổ chức dạy học sinh động hơn cho nên học sinh tham gia hoạt động rất tự tin”.

Thiết nghĩ, để góp phần “phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề” (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng), nhằm giúp học sinh có điều kiện trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc nhằm phát triển năng lực thẩm mĩ, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ mật thiết giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử cùng các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời hình thành ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống; trong thời gian tới, việc hoàn thiện tài liệu và truyền thông để lan toả rộng rãi những ưu điểm, kết quả thí điểm của nội dung chương trình "Lớn lên cùng âm nhạc" sẽ có ý nghĩa thiết thực đối với việc bồi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục âm nhạc theo Chương trình Giáo dục phổ thông (tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)./.

TS. Nguyễn Trọng Hoàn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip
Văn bản mới