Hội thảo “Định hướng nghề và việc làm cho thanh niên trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0”
Ngày 06/12/2019, tại Hà Nội, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo “Định hướng nghề và việc làm cho thanh niên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm trao đổi, đề xuất tìm giải pháp nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chất lượng việc làm và lao động cho thanh niên trong thời gian tới trong bối cảnh có nhiều lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động nhưng không tìm được việc làm, trong khi có nhiều việc làm lại không tìm được người lao động phù hợp.
Tham gia Hội thảo có ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm; ông Đỗ Văn Giang - Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng lãnh đạo tới từ các Cục, Vụ, Viện có liên quan, đại diện các trường đại học, cao đẳng, các Trung tâm dịch vụ việc làm, các tổ chức quốc tế liên quan tới nhân sự và việc làm như ILO, Manpower...
Ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu khai mạc Hội thảo
“Cả nước hiện có trên 13 triệu lao động trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động. Đây chính là tương lai của đất nước. Việc phát huy hiệu quả nguồn nhân lực trẻ, tận dụng tốt cơ hội trong thời kỳ dân số vàng chính là thúc đẩy sự phát triển của đất nước” - Phó Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại Hội thảo. Bên cạnh đó, với tư cách đại diện cơ quan xây dựng chính sách về việc làm, ông Tào Bằng Huy cũng nêu ra những bất lợi về khả năng tiếp cận thị trường lao động của lao động trẻ: “Ngoài tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới là 6,43%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Cả nước có tới 13,3% thanh niên không có việc làm hoặc không tham gia học tập, đào tạo. Chất lượng việc làm thấp với trên 50% thanh niên làm công hưởng lương và 39,5% thanh niên làm những công việc dễ bị tổn thương nhau lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương”.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh sau THCS vào học các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp đến nay vẫn còn hạn chế. Thực tế này không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, đô thị mà đó còn là tình trạng chung của cả nước. Cho đến nay, tỷ lệ học sinh sau THCS vào THPT luôn chiếm khoảng trên 85%, ở các thành phố lớn tỷ lệ này còn cao hơn cho thấy công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Nếu vẫn cách làm cũ thì công tác phân luồng học sinh sau THCS đến năm 2020 (và có thể còn lâu hơn nữa) vẫn không đạt được mục tiêu có 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề.
Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong bài tham luận về thực trạng
và giải pháp cho vấn đề lao động, việc làm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Đồng quan điểm về những cơ hội và thách thức từ cuộc cách mạng 4.0 tới thanh niên, bà Hà Thị Minh Đức cho rằng cần chú trọng tới nhóm giải pháp, gồm: Tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và tăng cường quản lý lao động di cư... Trong đó, yếu tố tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu với việc chủ động đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc phát huy hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp và tăng cường các ứng dụng chuyên ngành vào sản xuất kinh doanh.
Đại diện của ManpowerGroup Việt Nam trả lời những câu hỏi liên quan
Cũng theo Tổ chức Lao động quốc tế, tới đây quá trình chuyển tiếp của thanh niên từ học tập sang tham gia thị trường lao động không chỉ dừng lại ở việc đo lường thời gian từ khi rời ghế nhà trường cho đến khi làm công việc đầu tiên, mà còn bao gồm các yếu tố định tính như chất lượng công việc, khả năng học hỏi và khả năng thích nghi...
Toàn cảnh buổi Hội thảo